Ngày nay, không ít người đặt nặng tư tưởng vào tiền. Họ cho rằng, có tiền mới có cuộc sống hạnh phúc, có tất cả những gì mình muốn. Vì thế, họ theo đuổi tiền, tìm mọi cách để có được tiền.
Tuy nhiên, người ta lại phát hiện ra rằng, mặc dù có người đã rất cố gắng, nỗ lực, rất phấn đấu nhưng quanh năm suốt tháng vẫn sống trong khó khăn, túng bấn. Có người muốn làm giàu một cách nhanh chóng, thậm chí vay tiền nặng lãi để làm ăn, nhưng kết quả lại thua lỗ hết cả vốn và tiền vay. Cuộc sống càng rơi vào khốn khó hơn khi phải trả thêm khoản nợ. Có người vì thế mà cửa nát nhà tan.
Văn hóa hiện đại, dạy bảo và khuyến khích con người phải tranh, phải đấu thì mới có được những điều mình muốn. Nhưng vì sao mà “đấu” mãi không được? “Tranh” mãi không được tiền đồ tốt đây? Đó là bởi vì con người có “phúc phận” và “phúc khí”. Vậy, “phúc phận” và “phúc khí” của một người rốt cuộc là từ đâu mà đến?
Đọc câu truyện dưới đây có thể giúp mỗi người trong chúng ta tìm được câu trả lời cho riêng mình.
Phạm gia hưng thịnh suốt 800 năm
Phạm Trọng Yêm xuất thân rất nghèo, lúc còn trẻ ông vô cùng khốn khó, cuộc sống khó khăn gian khổ. Ông nghĩ thầm rằng mai sau lớn lên nếu có thể hơn người, nhất định phải cứu tế những người nghèo khó. Sau này làm tới chức Tể Tướng, liền đem bổng lộc lấy ra để mua ruộng đất, cấp cho những người nghèo không có ruộng để cày cấy và trồng trọt.
Ông còn cung cấp cho người nghèo cơm gạo, quần áo. Phàm là bất kể ai mà có việc lớn như hôn sự hay tang sự, ông còn trợ cấp tiền cho họ. Cứ như thế, ông dùng hết tiền thu nhập của mình để chu cấp cho hơn ba trăm gia đình ở quê hương.
Có một lần ông mua một ngôi nhà ở Tô Châu. Một thầy phong thủy đã ra sức khen ngợi ngôi nhà này có phong thủy thật là tốt, đời sau nhất định sẽ làm quan to.
Phạm Trọng Yêm nghĩ thầm, nếu nhà này có phong thủy khiến cho đời sau vinh hiển như thế chi bằng ta đổi thành học đường thì hơn, để cho muôn dân trăm họ Tô Châu từ sau có thể vào đây mà học. Tương lai những thế hệ sau này đều có người tài đức, có danh vọng và vinh hiển, chẳng phải là họ cũng được hưởng phúc mà đất nước cũng càng có lợi hay sao?
Vậy là ngay lập tức ông đem ngôi nhà của mình quyên góp, sửa sang thành học đường. Thực hiện điều ước ấp ủ từ lâu cho những trẻ em nghèo khổ có thể được đi học.
Tục ngữ có câu: “Giàu không quá ba đời”. Nhưng gia tộc họ Phạm lại hưng thịnh đến 800 năm. Bốn người con của Phạm Trọng Yêm đều có tài có đức, làm tể tướng và quan lớn.
Con cháu của Phạm Trọng Yêm luôn ghi nhớ gia huấn của tổ tiên là: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi nhạc nhi nhạc” (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ) và “Tích đức hành thiện”. Bởi thế mà đời sau của Phạm Trọng Yêm một mực hưng thịnh cho đến mãi những năm đầu của Trung Hoa dân quốc mà vẫn không suy.